Hôm nay chúng ta bắt đầu với một chủ đề các doanh nghiệp Việt Nam nên xuất khẩu theo điều kiện FOB hay CIF ? Woa…Nghe thú vị đúng không nào. Bài viết này sẽ hơi dài nên bạn chuẩn bị sẵn 1 tách cafe nhé…. Một trong nhiều câu hỏi được quan tâm đặt ra hiện nay tại nước ta là: tại sao đa phần các doanh nghiệp nước ta cứ xuất khẩu theo điều kiện FOB và nhập CIF, mà không ưu tiên xuất khẩu giá CIF và ngược lại, nhập khẩu FOB? Liệu con đường xuất nhập khẩu như vậy có đang làm bào mòn đi các giá trị gia tăng trong quá trình bán hàng của các doanh nghiệp?
Đọc xong nhớ kéo lên đọc bài này nhé: Nên loại bỏ điều kiện FOB và CIF trong vận chuyển Container? Tai sao không?
Incoterms và điều kiện CIF, FOB
Nhắc đến Incoterms , ắt hẳn ai ai quan tâm đến kinh tế đối ngoại ít nhiều điều đã từng nghe qua thuật ngữ này. Incoterms (International Commercial Terms) là tập hợp một bộ quy tắc ứng xử trong thương mại quốc tế. Từ khi được Phòng thương mại quốc tế xuất bản năm 1936, sau đó Incoterms được tái bản lần đầu tiên vào năm 2000, gọi là Incoterms 2000. Hiện phiên bản Incoterms mới nhất hiện nay thay cho Incoterms 2000 là Incoterms 2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Incoterms 2010 có thể coi là bộ quy tắc được chỉnh sửa, bổ sung căn cứ trên phiên bản 2000, dựa trên sự biến chuyển mang tính thời đại của dòng chảy thương mại quốc tế. Trong Incoterms 2010, các điều kiện thương mại được tinh giảm (Từ 13 xuống 11 điều kiện), hình thành 2 điều kiện mới là DAT và DAP, mang đặc điểm kế thừa và hợp nhất từ các điều kiện trước đó, cũng như góp phần giải quyết được các đòi hỏi mới mẽ của thời cuộc.
Nên chọn điều kiện FOB hay CIF
Nên chọn điều kiện FOB hay CIF
Incoterms có 4 nhóm điều kiện thương mại: E, F, C, D. Dĩ nhiên, CIF thuộc nhóm C và FOB thuộc nhóm F. Trên thực tế, CIF và FOB là 2 điều kiện thương mại được các nhà xuất nhập khẩu sử dụng thường xuyên. Tùy theo từng trường hợp mà các điều kiện nhóm C hay F trong cùng một nhóm có thể thay thế cho nhau. Ở điều kiện CIF hay các điều kiện nhóm C khác như: CFR, CPT, CIP, đây là điều kiện thuộc loại hợp đồng gửi hàng đi. Mua bán hàng hóa theo điều kiện FOB và nhóm F cũng tương tự. Chỉ có nghĩa vụ của người mua- người bán và địa điểm chuyển giao rủi ro có sự khác biệt.
Ở điều kiện FOB (Free On Board), người mua có quyền yêu cầu người bán giao hàng cho người chuyên chở do họ chỉ định và tại địa điểm đi. Đối với điều kiện FOB, địa điểm và thời điểm chuyển giao được xác định là sau khi hàng hóa được xếp xong trên tàu tại cảng xếp hàng (Cảng đi). Như vậy ở điều kiện này, do người bán phải giao hàng cho người chuyên chở do người mua chỉ định, tại cảng xếp hàng chỉ định, tức là người đứng ra thuê và trả chi phí cho phương tiện vận tải (Tàu chở hàng) lúc này chính là người mua, và người mua bảo hiểm cho hàng cũng chính là bên mua. Xuất khẩu theo điều kiện thương mại này là kiểu mậu dịch bắt người mua hàng phải tự thân vận động và gánh vác hầu hết các nghĩa vụ cũng như rủi ro khi nhập khẩu hàng hóa.
Chuyển rủi ro trong Incoterms
Chuyển rủi ro trong Incoterms
Ở điều kiện CIF (Carriage, Insurance and Freight) thì ngược lại, sau khi hoàn tất việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa, người mua chỉ cần thực hiện thủ tục thông quan nhập khẩu, còn lại việc giao hàng đến địa điểm của người mua chỉ định và mua bảo hiểm cho hàng hóa là trách nhiệm của người bán. Việc ai là người sẽ chỉ định phương tiện vận tải thường sẽ tùy theo thỏa thuận của 2 bên. Đồng thời mọi công tác cũng như thủ tục trong quá trình vận chuyển, giao hàng sẽ do bên bán đảm trách. Miễn sao cuối cùng hàng hóa của họ cặp cảng nhập khẩu theo đúng lộ trình và thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Công việc mua bảo hiểm cũng được bên bán chịu trách nhiệm chính. (Người bán chỉ mua bảo hiểm theo điều kiện tối thiểu) Dĩ nhiên là trách nhiệm với hợp đồng và hàng hóa vẫn là trách nhiệm chung của cả 2 bên, nên đòi hỏi bên mua cũng như bên bán sẽ có những kiến nghị, san sẽ và thỏa thuận riêng trong suốt quá trình mua bán.
Khi nào mua/bán giá FOB, và ngược lại đối với giá CIF
Như vậy, hợp đồng thương mại theo điều kiện FOB, người mua sẽ có trách nhiệm khá cao trong các thương vụ của mình. Còn theo điều kiện CIF, bên bán có trách nhiệm hoàn tất các quá trình cũng như thủ tục gắn với việc bán hàng đến tay người nhập khẩu. Đứng ở gốc độ của người mua hàng, giữa 2 điều kiện FOB và CIF thì những người mua hàng mà mức độ thỏa mãn của họ chỉ dừng lại ở việc mua được hàng, nguyên vật liệu với mức giá phải chăng, thì họ sẽ thích mua theo FOB. Cũng có khi người mua có chiến lược mua hàng tại Việt Nam và bán hàng của chúng ta dọc đường, nên họ sẽ dành quyền vận chuyển hàng và chịu trách nhiệm với hàng ngay sau khi hàng rời cảng xếp. Một số nhà nhập khẩu vốn sở hữu các hợp đồng vận tải theo đó mang lại nhiều lợi ích cho họ (Ví dụ như được chiết khấu cước tàu, hưởng hoa hồng từ chủ tàu), cho nên họ sẽ thích sử dụng FOB hơn.
Còn những người mua muốn nhà cung ứng của họ thỏa mãn nhu cầu mua được hàng của mình ở mức cao hơn, tức là muốn bản thân hưởng các đặc quyền tuyệt đối của người mua cũng như né tránh các rủi ro, rắc rối không mong muốn, họ sẽ thích CIF hơn. Nhìn chung, những người mua hàng theo điều kiện CIF đánh giá cao năng lực vận tải và ký hợp đồng bảo hiểm của người bán, họ cũng đồng thời chấp nhận mức giá cả cao hơn so với giá cả thông thường (Vì nó có cả chi phí vận tải và bảo hiểm hàng hóa). Trường hợp này trong thực tế sẽ xảy ra khi thị trường hàng hóa tại đất nước nhập khẩu đang có nhu cầu cao và đang đi lên, trong khi phát triển vận tải ngoại thương tại nước xuất khẩu còn ở cấp độ non yếu, để mua được hàng, nhà nhập khẩu sẵn sàng chủ động trong việc đưa ra hoặc chấp thuận các đề nghị thanh toán và vận chuyển thuận tiện cho hai bên.